Mô hình VMI là gì?
VMI hay Quản lý tồn kho bởi nhà cung cấp là phương thức tối ưu hóa hoạt động của chuỗi cung ứng trong đó nhà cung cấp chịu trách nhiệm về mức độ lưu kho của nhà bán lẻ. Nhà cung cấp được tiếp cận với các dữ liệu về hàng hóa trong kho của nhà bán lẻ và chịu trách nhiệm điều phối các đơn đặt hàng.
Khi áp dụng VMI, việc bóp méo và khuếch đại nhu cầu thị trường khi thông tin được chuyển qua nhiều trung gian từ các nhà bán lẻ đến các nhà cung ứng (hay còn gọi là hiệu ứng cái roi da – Bullwhip) được giảm thiểu.
Một trong những ví dụ phổ biến nhất của việc triển khai VMI trong kinh doanh là mối quan hệ giữa Walmart và P&G. P&G chịu trách nhiệm quản lý tồn kho đã thỏa thuận của các sản phẩm P&G trên không gian kệ hàng của Wal-Mart dựa vào dữ liệu bán hàng theo thời gian thực do Walmart chia sẻ.
So sánh mô hình đặt hàng truyền thống với mô hình đặt hàng VMI
Trong mô hình quản lý đơn đặt hàng truyền thống, sau khi tiếp nhận dự báo từ nhà phân phối/nhà bán lẻ, nhà sản xuất lập kế hoạch sản xuất, từ đó bộ phận mua hàng tiến hành đặt vật tư, khi nhà cung cấp giao hàng thì bên nhà sản xuất tiến hành lưu kho và chịu chi phí tồn kho. Tương tự như vậy, đối với phần hạ nguồn của chuỗi cung ứng, nhà phân phối/nhà bán lẻ đặt hàng lên nhà sản xuất, khi nhà sản xuất giao hàng thì nhà phân phối/nhà bán lẻ nhận hàng và để lưu kho, chịu khi phí tồn kho, chi phí lưu kho.
Việc kiểm soát tồn kho trong toàn chuỗi cung ứng là khó thực hiện, do mỗi đơn vị trong chuỗi tự quản lý tồn kho, không có cơ chế chia sẻ thông tin. Do đó, chuỗi xảy ra hiệu ứng Bullwhip dẫn đến không kiểm soát được tồn kho trong toàn bộ chuỗi, một số đơn vị tồn kho quá nhiều trong khi số khác tồn kho quá ít.
Mô hình quản lý theo VMI là cách tiếp cận có tính dòng chảy để quản lý tồn kho và đáp ứng nhu cầu. VMI liên quan đến việc hợp tác giữa nhà cung cấp và khách hàng của họ như nhà phân phối, nhà bán lẻ, các nhà sản xuất. Thay vì gửi đơn hàng PO (purchase order), khách hàng gửi thông tin nhu cầu hàng ngày của họ tới nhà cung cấp sử dụng các dữ liệu điện tử EDI, hoặc xây dựng hệ thống cho phép nhà cung cấp có thể truy cập để biết thông tin tồn kho, thông tin nhu cầu của khách hàng theo thời gian thực. Nhà cung cấp tạo ra và lập kế hoạch điền hàng vào hệ thống của khách hàng của họ theo thông tin về nhu cầu đã được cung cấp. Quy trình cung cấp và điền hàng vào hệ thống của khách hàng dựa trên mức tồn kho, tỷ lệ đáp ứng, chi phí giao dịch đã thỏa thuận giữa bên bán và bên mua. Mục tiêu của quản lý theo VMI là tạo dòng chảy đồng nhất trong chuỗi cung ứng giữa nhà cung cấp và khách hàng của họ với mục tiêu chung là tăng vòng quay hàng tồn kho, tăng mức dịch vụ và doanh số bán hàng, giảm tồn kho chung toàn chuỗi và ổn định sản xuất của nhà cung cấp.
Hệ thống kiểm soát tồn kho theo VMI có thể được thực hiện trực tiếp bởi nhà cung cấp hoặc thông qua bên cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba 3PL. Dòng hàng hóa từ bên nhà sản xuất được tập hợp tại kho 3PL, và sau đó hàng từ kho 3PL sẽ được vận chuyển đến nhà phân phối. Dưới hệ thống VMI, Kho 3PL sẽ giữ, quản lý và giao hàng hóa cho nhà phân phối theo nhu cầu thị trường. Thông qua hệ thống quản lý theo VMI, các chủ thể trong chuỗi cung ứng sẽ phối hợp tốt hơn giúp giảm tồn kho cả đầu vào và đầu ra, giảm hiện tượng bullwhip trong chuỗi.
Lợi ích của VMI
Một trong những lợi ích của VMI là nhà cung cấp có trách nhiệm cung cấp cho nhà sản xuất/phân phối/bán lẻ những mặt hàng cần thiết khi có nhu cầu từ khách hàng cuối cùng. Điều đó có thể dẫn đến:
- Loại bỏ tồn kho an toàn (safety stock): VMI loại bỏ nhu cầu khách hàng phải có tồn kho an toàn đáng kể vì nhà cung cấp quản lý thời gian cung ứng sản phẩm.
- Giảm mức tồn kho: nhờ giảm nhu cầu về không gian kho và công nghệ sử dụng trong kho.
- Giảm chi phí quản trị liên quan đến mua hàng vì nhà cung cấp nhận được dữ liệu chứ không phải đơn đặt hàng, bộ phận mua hàng phải dành ít thời gian hơn cho việc tính toán và tạo ra các đơn đặt hàng.
Đối với nhà cung cấp
- Hợp lý hóa dự đoán giao hàng đến một phạm vi rộng lớn với điểm chia sẻ dữ liệu bán hàng;
- Giúp cho việc quảng bá sản phẩm dễ dàng hơn bằng cách xem xét tình hình hàng tồn kho hiện tại;
- Giảm tỷ lệ trả lại sản phẩm từ các nhà phân phối bằng cách giảm dự đoán và tỷ suất lợi nhuận bán hàng;
- Loại bỏ tình trạng thiếu sản phẩm bằng cách chia sẻ thông tin giữa mạng lưới chuỗi cung ứng và tăng hiệu quả phân phối;
- Cập nhật kế hoạch sản xuất với dự đoán tốt hơn và hiệu quả hơn.
Đối với nhà phân phối và nhà phân phối lại
- Tăng tốc độ vận chuyển bằng cách tự động hóa và giảm bớt các công việc từng được con người xử lý;
- Giảm chi phí hàng tồn kho;
- Giảm vấn đề thiếu hụt sản phẩm và do đó tăng sự hài lòng của khách hàng;
- Giảm chi phí vận hành bằng cách chuyển việc lập kế hoạch và yêu cầu khối lượng công việc cho các nhà cung cấp;
- Tăng hiệu suất hậu cần tổng thể bằng cách bổ sung sản phẩm kịp thời;
- Đáp ứng nhanh hơn nhu cầu của khách hàng.
Các lợi ích được chia sẻ
- Giảm thiểu lỗi dữ liệu có thể xảy ra với thông tin được chia sẻ trong hệ thống;
- Tăng tốc hiệu quả chuỗi cung ứng tổng thể;
- Thiết lập quan hệ đối tác chuỗi cung ứng bền vững và đáng tin cậy;
- Về lâu dài, VMI giúp các chiến lược hoạt động hiệu quả hơn, mang tới nhiều cơ hội phát triển sản phẩm mới và tăng doanh số bán hàng.
Nhược điểm của VMI
Mất kiểm soát: Việc trao quyền truy cập dữ liệu của nhà phân phối/nhà bán lẻ cho bên thứ ba có thể gây khó chịu cho một số doanh nghiệp. DN có thể không muốn tồn kho của mình bị người ngoài kiểm soát, đặc biệt nếu không chắc chắn về khả năng của nhà cung cấp đó trong việc xử lý các nhu cầu và lo ngại về vấn đề bảo mật.
Lựa chọn nhà cung cấp bị giới hạn: Một khi nhà phân phối/ nhà bán lẻ hợp tác với đối tác VMI, nó có thể gây ra gián đoạn lớn cho chuỗi cung ứng nếu nhà phân phối/nhà bán lẻ không hài lòng với dịch vụ của họ. Trong trường hợp nhà phân phối/nhà bán lẻ tìm thấy tìm thấy các nhà cung cấp khác tiết kiệm chi phí hơn hoặc có sản phẩm dịch vụ tốt hơn, việc đang hợp tác với VMI có thể khiến nhà phân phối/nhà bán lẻ khó thay đổi nhà cung cấp.
Khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường kém nhanh nhạy: Nếu nhà phân phối/nhà bán lẻ nhận thấy rằng kiến thức chuyên môn về biến động nhu cầu của doanh nghiệp là điểm mạnh của họ, thì việc đi theo lộ trình VMI có thể không phải là lựa chọn tốt nhất. Nhà cung cấp VMI sẽ làm việc với thông tin chi tiết về dữ liệu của nhà phân phối/nhà bán lẻ, nhưng những thông tin đó có thể không phản ánh chính xác dự báo bán hàng hoặc sự thay đổi thị trường đôi khi không thể đoán trước.
Hồng Đào
ĐỌC THÊM:
Hiệu ứng Bullwhip và lời giải cho sự hiệu quả trong chuỗi cung ứng