Giám đốc điều hành Hapag-Lloyd, ông Rolf Habben Jansen, phản hồi những lời chỉ trích về việc hủy lịch tàu của các hãng vận tải biển vào thời điểm bắt đầu đại dịch, ông cho rằng đó là “vấn đề sống còn”.
Ông dự đoán sẽ không có nhiều chuyến tàu bị hủy trong quý đầu tiên của năm tới, nhưng đồng thời cũng cảnh báo về những tác động tiêu cực của vấn đề tắc nghẽn cảng.
“Một trong những thách thức mà chúng tôi gặp phải hiện nay là chúng tôi nhận được nhiều booking hơn bình thường. Để bạn dễ hình dung, chúng tôi hiện đang vận chuyển khoảng 240.000-250.000 teu hàng hóa mỗi tuần, nhưng lượng booking mà chúng tôi nhận mỗi tuần lên tới 400.000 teu.”
Ông đã phát biểu trong một hội thảo trực tuyến vào thứ Sáu cùng với nhà phân tích của SeaIntelligence, ông Lars Jensen và CEO của DHL Global Forwarding, ông Tim Scharwath.
“Đối với tôi, việc hủy lịch tàu liên quan đến việc quản lý chi phí; nếu bạn nhìn vào những gì đã xảy ra với chúng tôi từ tháng 3 đến tháng 4, bạn sẽ thấy rằng khối lượng hàng hóa mà chúng tôi vận chuyển đã giảm 20%, có nghĩa là 20% doanh thu của chúng tôi mất đi và chúng tôi đã bỏ lỡ 6 – 7 triệu đô la tiền doanh thu mỗi ngày và cách duy nhất để tránh điều này là cắt giảm chi phí, đồng nghĩa với việc hủy các chuyến tàu ”, ông nói.
Ông Habben Jansen cho biết sẽ rất khó dự đoán thế giới sẽ như thế nào (vào hậu Covid), nhưng ông mong đợi các bài học kinh nghiệm từ đại dịch sẽ giúp mọi người đảm bảo chuỗi cung ứng của họ trở nên linh hoạt hơn. Đó chính là lượng tồn kho đệm (lượng tồn kho để bán khi thiếu hàng) cao hơn, đa dạng hóa nhà cung cấp và “cố gắng đa dạng hóa rủi ro”.
Ông Jensen cho biết ông dự kiến ”một năm 2021 cực kỳ biến động”.
Ông nói: “Đây là một năm nhiều biến động nhất mà tôi từng thấy, nó chưa hề có tiền lệ. Điều duy nhất cần tập trung vào năm 2021 là khả năng phục hồi. Không phải là về việc làm sao để chuỗi cung ứng có chi phí thấp nhất, cũng không phải là về Just in time (JIT); khả năng phục hồi là mục tiêu chính vì ngành vận tải sẽ vô cùng khó lường. ”
Về việc giá cước biển đang tăng quá cao, ông Habben Jansen cho rằng các chủ hàng và các hãng vận chuyển cần bàn bạc để đưa ra một mức giá hợp lý.
“Tỷ trọng hàng hóa hiện được vận chuyển với mức giá giao ngay đang cao hơn bình thường và tôi nghĩ rằng chúng ta cần thiết lập lại sự cân bằng đó một lần nữa,” ông nói.
“Tôi nghĩ những gì bạn sẽ thấy trong quý đầu tiên đó là tất cả số tàu hiện tại sẽ được đưa vào khai thác.” Và ông nói thêm rằng việc chậm trễ sẽ tiếp tục diễn ra do tắc nghẽn cảng. Chính vì vậy, sẽ khó có chuyến tàu nào bị hủy mà thay vào đó là những chuyến tàu bị chậm trễ.
Ông nói: “Chúng ta phải giải quyết và kiểm soát một số điểm nghẽn tại khu vực đất liền, bởi vì nếu bạn không thể nhận các container hàng hóa và giao đi, thì chúng sẽ chỉ mắc kẹt trên tàu.”
Ông Scharwath cho biết ông dự kiến sự gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục trong sáu tháng đầu năm tới, nhưng nói thêm rằng mọi thứ sẽ “ổn định hơn một chút trong nửa cuối năm”.
Ông nói thêm: “Tôi làm việc cho một công ty lớn của Đức và họ có xu hướng lên kế hoạch trong vòng 3 năm và 5 năm, nhưng hiện tại chúng tôi chỉ cố gắng tập trung vào kế hoạch 3 tháng.”
“Điều quan trọng là chúng tôi phải giải thích cho khách hàng về những gì đang xảy ra để giúp họ hiểu.
“Khách hàng hiểu rằng họ cần phải trả nhiều tiền hơn, nhưng điều này cũng khiến họ gặp rất nhiều khó khăn” , ông nói.
Daniel