Sáng kiến Vành đai và Con đường được nhắc đến lần đầu tiên trong các bài phát biểu năm 2013 của chủ tịch Tập Cận Bình. Trong chuyến thăm và làm việc đến Kazakhstan, chủ tịch Tập Cận Bình đã thể hiện mong muốn và tầm nhìn khôi phục lại con đường tơ lụa kết nối Trung Quốc đến các quốc gia vùng Trung Á và châu Âu. Trong các bài phát biểu, nói chuyện với các nguyên thủ quốc gia Indonesia, chủ tịch cũng đề cập đến khái niệm “con đường tơ lụa hàng hải”, ám chỉ hành lang vận chuyển đường biển giữa Trung Quốc, vùng Trung Đông và châu Âu.
Tính đến hiện tại, sau 7 năm hình thành ý tưởng và đi vào thực thi, dự án mang tầm cỡ liên châu lục này đã nhận nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt từ phía các quốc gia phương Tây. Nhiều sự chỉ trích hướng đến sự thiếu minh bạch liên quan đến thông tin về nguồn tài chính được sử dụng để thực hiện sáng kiến này cũng như những điều khoản đối với một số dự án cụ thể. Ngày càng có nhiều công trình nghiên cứu học thuật được tiến hành để thu thập và phân tích dữ liệu, thông tin về sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Thực tế, sáng kiến này không thực sự mang tính toàn cầu mà chỉ tập trung vào một số hành lang cụ thể. Đây được xem là chương trình rót vốn để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, với 2/3 tổng nguồn tài chính cam kết được đầu tư vào lĩnh vực năng lượng và giao thông. Tổng nguồn vốn được ước tính ở khoảng 50 – 100 tỷ đô mỗi năm. Hầu hết các khoản hỗ trợ được cung cấp dưới hình thức cho vay, tính bằng tiền đô la với những điều khoản thương mại “thông thoáng” hơn so với những gì các quốc gia đang phát triển nhận được từ các nhà đầu tư tư nhân, tuy nhiên lại đắt đỏ hơn rất nhiều khi so sánh với các khoản hỗ trợ từ những nhà tài trợ phương Tây hay từ các ngân hàng phát triển đa phương.
Một vài quốc gia được hỗ trợ tài chính là quốc gia bất trị (“partiah state”) như Iran hay Venezuela, tuy nhiên, cũng có nhiều quốc gia khác tham gia vào sáng kiến “Vành đai và Con đường” là các quốc gia theo chế độ dân chủ như Nam Phi, Kenya, Tanzania, Indonesia hay Brasil.
Một nghiên cứu của World Bank năm 2019 đã đi sâu vào phân tích các dự án giao thông vận tải dọc theo tuyến đường xuyên lục địa và hàng hải. Báo cáo đã kết luận rằng nếu như chi phí giao thông được cắt giảm đáng kể thông qua các dự án nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng thì các quốc gia sẽ được hưởng lợi rất lớn. Tuy nhiên, báo cáo này cũng cho thấy trong nhiều trường hợp, rào cản về chính trị còn nghiêm trọng hơn nhiều so với các trở ngại về hạ tầng, cụ thể như thuế nhập khẩu, các chính sách hạn chế đầu tư, vấn đề về thông quan, tham nhũng, hối lộ hay quan liêu đều khiến chi phí thương mại tăng đáng kể. Thực tế, việc cải thiện môi trường đầu tư cũng là yếu tố quan trọng ngang bằng với việc rót vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Một phương thức hiệu quả để nâng cao môi trường đầu tư là thông qua các hiệp định thương mại song phương, đa phương có chiều sâu như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình DƯơng (CPTPP) với sự tham gia của nhiều nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ như Colombia, Malaysia, Peru và Việt Nam. Thực tế, Trung Quốc cũng đã tham gia vào một số các hiệp định tự do hóa thương mại với Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, và New Zealand. Những hiệp định này không thực sự quá đột phá nhưng cũng đã có nhiều cam kết về loại bỏ thuế quan cho một số mặt hàng linh kiện, đồng thời đặt nền móng để xây dựng chuỗi giá trị châu Á bền vững.
Xét tới Hoa Kỳ, sáng kiến “Vành đai và Con đường” gây ra khá nhiều vấn đề nhức nhối cho cường quốc đứng đầu thế giới này. Nhiều nhà chính trị Mỹ đã chỉ trích gay gắt dự án này, cho rằng đó là “cái bẫy nợ” mà các nước tham gia đang bị dắt mũi bởi Trung Quốc. Nhưng liệu sự lo ngại này có đang thái quá hay không? Hầu hết các quốc gia thuộc sáng kiến “Vành đai và Con đường” không chỉ vay tiền từ Trung Quốc, mà còn vay từ phía các nhà tài trợ phương Tây, ngân hàng và các nhà đầu tư tư nhân. Họ có nguồn cung cấp tài chính đa dạng, vì vậy, việc khẳng định họ rơi vào cái bẫy nợ của Trung Quốc không thực sự hợp lý.
Tuy nhiên, các khoản nợ nước ngoài hoàn toàn khác với các khoản nợ nội địa, do những khoản nợ quốc tế đó sẽ phải giải quyết thông qua các cam kết về thương mại, xuất khẩu. Câu hỏi đặt ra là trong thời điểm đại dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực lên nền kinh tế toàn cầu, liệu các nước đang phát triển tham gia vào sáng kiến “Vành đai và Con đường” có còn đủ khả năng để chi trả được các khoản nợ phát sinh từ dự án này? Khung đánh giá bền vững nợ (debt sustainability) của Qũy tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra các con số tích cực đối với các quốc gia đang phát triển trước Covid-19. Tuy nhiên, khi đại dịch diễn ra, GDP và kim ngạch thương mại giảm sút, hầu hết các khách hàng ở châu Phi trong dự án này đều đã và đang đối phó với nguy cơ vỡ nợ. Trong năm nay, Trung Quốc đã phối hợp với các quốc gia trong G20 hỗ trợ các đất nước đang/kém phát triển thông qua chính sách trì hoãn nghĩa vụ trả nợ. Mặc dù vậy, biện pháp này cũng chỉ là tạm thời và các đất nước khó khăn vẫn phải chuẩn bị những kịch bản tái cấu trúc nợ phù hợp.
Ngoài ra, các nước đang phát triển dường như có xu hướng lựa chọn sử dụng nguồn vốn vay hỗ trợ từ Trung Quốc cho các dự án hạ tầng giao thông và năng lượng hơn các lựa chọn khác. Lý do là:
- Các khoản vay tư nhân quá đắt và chỉ mang tính ngắn hạn (thường nhiều nhất là 5 năm)
- Các nhà tài trợ và ngân hàng phương Tây cung cấp các khoản vay với nhiều điều khoản cực kỳ thuận lợi nhưng họ lại ưu tiên đầu tư cho các lĩnh vực như: dịch vụ công, hành chính, chính trị. Những tổ chức này dường như đã rút chân ra khỏi lĩnh vực hạ tầng. Trước đây, 70% tổng nguồn tiền hỗ trợ của WorldBank được sử dụng để đầu tư vào cơ sở hạ tầng kinh tế; tuy nhiên, hiện tại, tỷ lệ đó chỉ còn 30%.
- Thực hiện các dự án về hạ tầng cơ sở với các tổ chức phương Tây thường đòi hỏi một thời gian rất lâu và buộc các quốc gia phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, quy chuẩn nghiêm ngặt.
Do đó, thường có một sự phân chia rất rõ ràng về đối tượng đầu tư: Trung Quốc tập trung vào giao thông và năng lượng; các nhà tài trợ phương Tây ưu tiên các lĩnh vực đầu tư công; và các nhà đầu tư tư nhân hướng đến những khoản tài chính mang tính ngắn hạn.
Tóm lại, trước sáng kiến “Vành đai và Con đường”, phía phương Tây, cụ thể là Hoa Kỳ đưa ra các luận điểm cụ thể:
- Tập trung đàm phán, xây dựng và ký kết các hiệp định thương mại sâu rộng nhằm cải thiện môi trường đầu tư ở các quốc gia đang phát triển, và đẩy mạnh tính gắn kết giữa các nước;
- Đổi mới hướng đầu tư và các điều khoản đầu tư của ngân hàng, tổ chức tài chính về dự án cơ sở hạ tầng nhằm đưa ra những lựa chọn hấp dẫn hơn dành cho các quốc gia đang phát triển
- Đề nghị Trung Quốc minh bạch hơn và áp dụng những điều khoản “thoáng” hơn về các khoản tài chính hỗ trợ cho dự án.
Biên dịch: Dandelion