Vào cuối tháng 3, một phần đường ray trên tuyến đường sắt Côn Minh – Viêng Chăn với tổng vốn đầu tư lên đến 6 tỷ đô đã được lắp đặt, ghi nhận cột mốc lịch sử kết nối khu vực Tây Nam của Trung Quốc với vùng Đông Bắc Thái Lan.
Mặc cho đại dịch Covid-19 đang gây ra khủng hoảng kinh tế trên toàn cầu, tiến độ dự án đường sắt Côn Minh – Viêng Chăn không hề bị gián đoạn và dự kiến sẽ chính thức đi vào hoạt động trước tháng 12 năm 2021.
Tuyến đường sắt dài 400km chạy qua 76 đường ống và 154 cầu đường, với tốc độ lên đến 160km/h (để dễ so sánh thì hiện tại tốc độ tàu hỏa của Việt Nam chỉ đạt mức 50-60km cho tàu hàng, và 80-90km cho tàu chở khách). Trong khi đó, Lào hiện chỉ có duy nhất một tuyến đường sắt dài 4km, do vậy, dự án này hứa hẹn sẽ tạo ra một sự đột phá để hỗ trợ đất nước này vượt qua những hạn chế của một quốc gia không giáp biển (landlocked).
Tuyến đường sắt Côn Minh – Viêng Chăn được đánh giá là một mắt xích quan trọng trong giấc mơ “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc. Đối với Trung Quốc, dự án này không chỉ nối Vân Nam thẳng tới Lào và Thái Lan, mà còn tạo ra cung đường kết nối với bán đảo Malaysia và Singapore. Thực tế, chính các nhà lãnh đạo Lào cũng có tham vọng riêng khi đồng thuận khởi động dự án này, nhằm thực hiện được mục đích cải thiện cơ sở hạ tầng, mở rộng kết nối với các nước láng giềng nhờ vào nguồn hỗ trợ tài chính từ cường quốc châu Á.
Dự án 6 tỷ đô được cấp vốn bởi hệ thống tài chính của BRI và là liên doanh được thực hiện trong lãnh thổ của Lào, nhưng quá trình thực hiện dự án lại không thuộc quyền kiểm soát của Lào. Xem xét tình hình thực tế, khi nhân dân Lào không thực sự có nhu cầu đối với tuyến đường sắt này, cơ sở hạ tầng còn nhiều thiếu sót và nhà nước lo sợ không có khả năng chi trả các khoản nợ phát sinh, rốt cuộc các lợi ích hữu hình từ dự án đầy tham vọng này vẫn chưa rõ ràng với phía Lào.
Cơ sở và nguồn lực tài chính thực hiện dự án
Ý định thực hiện dự án đường sắt nối liền Côn Minh và Viêng Chăn thực chất đã được ấp ủ từ rất nhiều thập kỷ trước, ngay khi ý tưởng về tuyến đường sắt Côn Minh – Singapore được nhắc đến tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Nam Á năm 1995.
Ông Scott Morris, đồng giám đốc bộ phận tài chính phát triển bền vững của Trung tâm Phát triển toàn cầu (Center for Global Development), cho biết: “Nhiều quốc gia trong khu vực đã xem xét đến dự án này, tuy nhiên lại chần chừ do tính khả thi của nó, và Trung Quốc cứ thế tiến vào và dành lấy quyền thực thi dự án.”
Năm 2010, đại diện Trung Quốc và Lào đã ký biên bản ghi nhớ cho dự án đường sắt 6 tỷ đô. Sáu năm sau đó, dự án bắt đầu đi vào xây dựng và hoàn thiện, với nhân công Trung Quốc, tiền Trung Quốc và tầm nhìn Trung Quốc.
Ông Morris khẳng định: “Toàn bộ các gói hỗ trợ tài chính đều được sử dụng bởi các công ty Trung Quốc, do đó sẽ rất khó để Lào có thể hình dung được chất xúc tác hữu hình nào từ dự án này.”
Tương tự như các dự án khác thuộc sáng kiến BRI, đường sắt Côn Minh – Viêng Chăn dù có nằm trong địa phận của Lào thì cũng không phải do Lào xây dựng và cũng không phục vụ riêng cho Lào. Hơn thế, các gói tài chính cung cấp cho dự án đều không được thể hiện ở bất cứ bản báo cáo rõ ràng nào nên rất khó để biết được các khoản đầu tư đó bao gồm những gì.
Có rất nhiều chỉ trích và lo ngại liên quan đến sự thiếu minh bạch về vấn đề tài chính này, do nó có liên quan đến vấn đề chính trị nhạy cảm khi nguồn vốn nhà nước Trung Quốc chiếm một phần góp lớn (khoảng 70%) trong toàn bộ dự án đường sắt Côn Minh – Viêng Chăn.
Thậm chí, về phía Lào, nhà nước chỉ có thể trích 250 triệu đô từ ngân sách cho dự án, và vay phần còn lại tương đương 480 triệu đô từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc. Vì vậy, Lào thực sự cần tuyến đường sắt này tạo ra doanh thu để để không mắc vào “bẫy nợ” với Trung Quốc.
Bài viết tiếp theo sẽ phân tích rõ hơn về tham vọng của Trung Quốc và trả lời câu hỏi Lào cần làm gì để biến dự án đường sắt 06 tỷ đô này thành chất xúc tác mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế nước nhà.
Biên dịch: Dandelion