Chuyển khẩu
Chuyển khẩu là hình thức hàng hóa được mua từ một nước, vùng lãnh thổ để bán sang một nước, vùng lãnh thổ khác mà không phải làm các thủ tục về xuất khẩu và nhập khẩu hay các điều khoản trong thương mại quốc tế (incoterms) của nước Việt Nam.
Khái niệm chuyển khẩu hàng hóa được đề cập tại khoản 1 Điều 30 Luật Thương mại 2005 là việc mua hàng từ một nước, vùng lãnh thổ để bán sang một nước, vùng lãnh thổ ngoài lãnh thổ Việt Nam mà không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam.
Các loại hàng hóa đều được phép kinh doanh theo phương thức chuyển khẩu. Thủ tục chuyển khẩu qua cửa khẩu Việt Nam được giải quyết tại chi cục Hải quan cửa khẩu trừ:
- Hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu.
- Hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.
- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, thương nhân được thực hiện chuyển khẩu qua cửa khẩu Việt Nam sau khi có giấy phép của Bộ Công Thương.
Các hình thức chuyển khẩu
- Hàng hóa được vận chuyển thẳng từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu không qua cửa khẩu Việt Nam.
- Hàng hóa được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu có qua cửa khẩu Việt Nam nhưng không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam.
- Hàng hóa được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu có qua cửa khẩu Việt Nam và đưa vào kho ngoại quan, khu vực trung chuyển hàng hóa tại các cảng Việt Nam, không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam.
Chuyển khẩu được thực hiện trên cơ sở hai hợp đồng riêng biệt: Hợp đồng mua hàng do thương nhân Việt Nam ký với thương nhân nước xuất khẩu và Hợp đồng bán hàng do thương nhân Việt Nam ký với thương nhân nước nhập khẩu. Hợp đồng mua hàng có thể ký trước hoặc sau hợp đồng bán hàng.
Ví dụ: Công ty A tại Việt Nam mua máy cẩu của công ty B có trụ sở tại Hoa Kỳ, nhưng không trực tiếp nhập khẩu vào Việt Nam mà bán thẳng cho công ty C tại Ấn Độ.
Tạm nhập – Tái xuất
Tạm nhập, tái xuất là hình thức hàng hóa được đưa từ nước ngoài hoặc từ các khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam (được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật vào Việt Nam) làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và làm thủ tục xuất khẩu chính hàng hóa đó ra khỏi Việt Nam theo Điều 29 Luật Thương mại 2005.
Tạm nhập là việc cho hàng hóa nước ngoài quá cảnh trên lãnh thổ một quốc gia trong một thời gian nhất định trước khi xuất sang thị trường nước thứ ba.
Tái xuất là quá trình tiếp sau của tạm nhập. Sau khi làm thủ tục thông quan, nhập khẩu vào Việt Nam thì sẽ được xuất khẩu tới một quốc gia khác. Bản chất hàng hóa được xuất khẩu hai lần nên gọi là tái xuất.
Tạm nhập tái xuất được thực hiện trên cơ sở hai hợp đồng riêng biệt: Hợp đồng mua hàng do thương nhân Việt Nam ký với thương nhân nước xuất khẩu và Hợp đồng bán hàng do thương nhân Việt Nam ký với thương nhân nước nhập khẩu. Hợp đồng mua hàng có thể ký trước hoặc sau hợp đồng bán hàng.
Các hình thức tạm nhập tái xuất
Tạm nhập, tái xuất theo hình thức kinh doanh
Với hình thức này, tạm nhập, tái xuất sẽ được coi là một ngành, nghề kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam. Thương nhân được phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất khi được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật doanh nghiệp và được Bộ Công Thương cấp Mã số kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hóa.
Tạm nhập, tái xuất theo hợp đồng bảo hành, bảo dưỡng, thuê, mượn
Thương nhân Việt Nam có quyền ký kết hợp đồng với thương nhân nước ngoài về hàng hóa tạm nhập tái xuất với mục đích bảo hành, bảo dưỡng, thuê, mượn trừ trường hợp là hàng hóa thuộc diện cấm xuất nhập khẩu, tạm ngừng xuất nhập khẩu. Sau khi tiến hành bảo hành, bảo dưỡng, thuê, mượn hàng hóa tạm nhập tái xuất trong một khoảng thời gian nhất định thì thương nhân nước ngoài lại tiếp tục tái xuất hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Thời gian tạm nhập, tái xuất được xác định tùy từng mặt hàng cụ thể, trang thiết bị, trình độ, nhu cầu bảo hành. Do đó, các bên thương nhân có quyền tự thỏa thuận với nhau một khoảng thời gian hợp lý trong hợp đồng ký kết.
Tạm nhập tái xuất để tái chế, bảo hành theo yêu cầu của thương nhân nước ngoài
Hoạt động này được hiểu là thương nhân nước ngoài đặt hàng với thương nhân Việt Nam về việc tái chế, bảo hành hàng hóa đích danh cho thương nhân nước ngoài chỉ định. Sau khi tái chế, bảo hành thì thương nhân Việt Nam sẽ xuất trả lại hàng hóa đó cho chính thương nhân nước ngoài đã đặt hàng. Được thực hiện tại các cơ quan Hải quan và không yêu cầu phải có Giấy phép tạm nhập, tái xuất.
Hàng hóa sau khi tạm nhập vào Việt Nam để tái chế, bảo hành thì sẽ được tái xuất trở lại chính thương nhân nước ngoài đã xuất khẩu ban đầu sang cho Việt Nam chứ không phải là tái xuất sang nước thứ ba hay một thương nhân nước ngoài nào khác như hai hình thức trên.
Tạm nhập tái xuất hàng hóa để trưng bày, giới thiệu, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại
Mục đích của hình thức này là đưa thông tin sản phẩm đến người tiêu dùng, kích cầu giao thương trong và ngoài nước. Do đó không yêu cầu phải có Giấy phép tạm nhập, tái xuất mà chỉ phải thực hiện thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu tại cơ quan hải quan. Ngoài quy định của Luật Thương mại, thương nhân còn phải tuân thủ đầy đủ các quy định về việc trưng bày, giới thiệu sản phẩm, quy định về triển lãm, hội chợ.
Tạm nhập tái xuất sản phẩm vì mục đích nhân đạo và mục đích khác
Trong những trường hợp nhất định do điều kiện về trang thiết bị, máy móc, dụng cụ y tế tại Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh trong nước và các tổ chức nước ngoài vì mục đích nhân đạo muốn đưa các trang thiết bị y tế vào để hỗ trợ Việt Nam thì sẽ xuất hiện hình thức tạm nhập tái xuất các máy móc, trang thiết bị, dụng cụ khám chữa bệnh của nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam. Hình thức này không cần có Giấy phép tạm nhập tái xuất.
Trong trường hợp đặc biệt cần tạm nhập, tái xuất đối với hàng hóa là vũ khí; khí tài; trang thiết bị quân sự; an ninh; nhằm mục đích phục vụ mục đích quốc phòng an ninh thì cần có sự xem xét, cho phép của Bộ Quốc phòng; Bộ Công an.
Ví dụ: Với lý do điều kiện về trang thiết bị, máy móc, dụng cụ y tế tại Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh trong nước, từ vấn đề này có một số tổ chức nước ngoài với mong muốn giúp đỡ Việt Nam trên cơ sở vì mục đích nhân đạo và muốn đưa các trang thiết bị y tế vào để hỗ trợ Việt Nam thì sẽ xuất hiện hình thức tạm nhập tái xuất các máy móc; trang thiết bị; dụng cụ khám chữa bệnh của nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam.
Tạm xuất – Tái nhập
Ngược với hình thức “Tạm nhập – Tái xuất”, Tạm xuất – Tái nhập hàng hóa là việc hàng hóa được đưa ra nước ngoài hoặc đưa vào các khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam (được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật) có làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam và làm thủ tục nhập khẩu lại chính hàng hóa đó vào Việt Nam. (Theo Luật Thương mại năm 2005).
Các mặt hàng tạm xuất tái nhập thường là các mặt hàng xuất đi để sửa chữa, bảo hành, sản xuất, thi công, cho thuê theo hợp đồng với nước ngoài.
Đối với máy móc hàng hóa, sau khi thực hiện xong hợp đồng cho thuê, gia công, sửa chữa bảo dưỡng thì sẽ nhập khẩu trở lại. Hình thức tạm nhập tái xuất sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, thương nhân khi khai báo và đóng thuế tại chi cục hải quan.
Ví dụ: Sau khi đưa mẫu đi hội chợ triển lãm ở nước ngoài, những mặt hàng nào còn lại sau khi bán, tặng, phải nhập trở lại nước đã xuất đi.
Quá cảnh
Quá cảnh hàng hóa là việc vận chuyển hàng hóa thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài qua lãnh thổ Việt Nam, kể cả việc trung chuyển, chuyển tải, lưu kho, chia tách lô hàng, thay đổi phương thức vận tải hoặc các công việc khác được thực hiện trong thời gian quá cảnh.
Dịch vụ quá cảnh hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân thực hiện việc quá cảnh cho hàng hóa thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài qua lãnh thổ Việt Nam để hưởng thù lao. (Theo Luật thương mại năm 2005).
Điều 242 LTM 2005 quy định: “Mọi hàng hóa thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài đều được quá cảnh lãnh thổ Việt Nam và chỉ cần làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập và cửa khẩu xuất theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp sau đây:
- Hàng hóa là các loại vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ và các loại hàng hóa có độ nguy hiểm cao khác, trừ trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép;
- Hàng hóa thuộc diện cấm kinh doanh, cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu chỉ được quá cảnh lãnh thổ Việt Nam khi được Bộ trưởng Bộ Thương mại cho phép.”
Quá cảnh được thực hiện trên cơ sở hợp đồng cung ứng dịch vụ. Hàng hóa quá cảnh vào và ra khỏi Việt Nam phải theo đúng cửa khẩu, tuyến đường quy định, lượng hàng xuất ra phải đúng bằng lượng hàng nhập vào, nguyên đai, nguyên kiện. Bên cạnh đó, hàng hóa khi vào lãnh thổ Việt Nam phải chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan Việt Nam trong toàn bộ thời gian quá cảnh.
Muốn quá cảnh hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam phải thuê thương nhân Việt Nam kinh doanh dịch vụ quá cảnh thực hiện; trừ trường hợp: Việc tổ chức; cá nhân nước ngoài tự mình thực hiện Quá cảnh hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam; thuê thương nhân nước ngoài thực hiện quá cảnh hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam thì được thực hiện theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về xuất cảnh, nhập cảnh và giao thông vận tải.
Hàng hóa không được lưu kho tại Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 246 Luật thương mại 2005.
Thời gian quá cảnh lãnh thổ Việt Nam tối đa là ba mươi ngày kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập, trừ trường hợp hàng hóa được lưu kho tại Việt Nam hoặc bị hư hỏng, tổn thất trong quá trình quá cảnh.
Ví dụ: Hoạt động vận chuyển từ Malaysia sang Lào, để vận chuyển mặt hàng này thường phải để hàng hóa từ Malaysia sang Việt Nam sau đó tiếp tục từ Việt Nam sang Lào. Vì vậy, hành trình từ Malaysia sang Lào phải đi qua nước thứ 3 là Việt Nam nên hoạt động này được gọi là quá cảnh.
Huyền Tú
M&A trong Logistics: Động cơ thúc đẩy nằm sau xu hướng đầu tư mới