Mới đây, cảng Long Beach đã ký thỏa thuận quan hệ đối tác 4 năm với cơ quan Cảng nội địa Utah (UIPA). Sự kiện này liên quan đến các nỗ lực về marketing, chia sẻ dữ liệu để cải thiện chất lượng không khí và hiệu quả năng lượng, nhưng mục tiêu chính vẫn là điều tiết, cải thiện luồng hàng hóa giữa các cảng.
Theo thỏa thuận, Long Beach sẽ đầu tư vào việc tối ưu hóa hệ thống đường sắt trên và gần bến tàu, với việc UIPA phát triển khả năng vận tải trong phạm vi quyền hạn của mình để “tăng cường tính lưu động nhập khẩu cũng như năng lực xuất khẩu”. Thỏa thuận này được đưa ra chưa đầy một tháng sau khi UIPA ký một thỏa thuận tương tự với cảng Oakland.
Sự hợp tác này là một bước tiến quan trọng nhằm thiết lập Utah như một địa điểm chuyển đổi trong lĩnh vực logistics thương mại. Làm việc trực tiếp với các cửa khẩu hàng hóa sẽ hình thành các mô hình thương mại mới cho miền tây Hoa Kỳ. Đồng thời nó giúp giảm bớt áp lực gia tăng hàng hóa tại các cảng và duy trình sự ổn định của chuỗi cung ứng bằng cách cải thiện tính linh hoạt, tốc độ vận chuyển hàng hóa vào nội địa.
Các cảng nội địa được thành lập giúp tối ưu hóa chi phí xếp dỡ, giảm đáng kể so với các cảng xa đất liền, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh. Đồng thời, việc chuyển hàng hóa đến các cảng nội địa để thông quan và nhận hàng sẽ giảm bớt tình trạng tắc nghẽn tại các bến cảng ở Long Beach và Oakland. Tuy nhiên, để điều này hoạt động tốt, trước hết cần phải giải quyết sự chậm trễ trong việc cập cảng và dỡ hàng của các tàu.
Theo một số quan chức cảng và các nhà khai thác bến, các cảng đã có cải thiện, giảm thiểu chậm trễ trong việc cập cảng và dỡ hàng, nhưng sự tắc nghẽn trong hệ thống đường sắt nằm ngoài tầm kiểm soát của họ và gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn. Nhiều hệ thống đường sắt quá tải, đặc biệt là ở khu vực quan trọng của Chicago, được cho là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng thời gian chậm trễ của tàu tại các cảng.
Theo Hiệp hội Vận chuyển Thương gia Thái Bình Dương, thời gian lưu trú tại khu phức hợp Los Angeles/Long Beach đối với các container đi đến miền đông Hoa Kỳ vượt quá 11 ngày, gấp ba lần mức trung bình đối với các container đến khu vực L.A.
Hồng Đào