Sự đảo lộn không được báo trước
Daniel Yergin – nhà sử học lĩnh vực năng lượng kiêm Phó chủ tịch S&P Global – cho rằng sự thay đổi đột ngột từ Nga đã khiến thị trường năng lượng toàn cầu bị đảo lộn bởi quốc gia này đã dành nhiều thập kỷ cung cấp dầu khí cho nền kinh tế thế giới. Vì vậy, nhu cầu đã bùng nổ đối với Hoa Kỳ, nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn thứ hai toàn cầu.

Algeria là một quốc gia có thị phần trung bình trong xuất khẩu dầu và khí đốt toàn cầu. Nhưng cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đã tạo cơ hội cho quốc gia Bắc Phi này vượt lên. Cụ thể, vài tuần trước, Thủ tướng Italy Mario Draghi đã có chuyến thăm thủ đô Algiers nhằm thúc đẩy thỏa thuận nhập khẩu khí đốt tự nhiên với Algeria. Thông qua đường ống chạy bên dưới Địa Trung Hải, Italy dự kiến tăng lượng nhập khẩu khí đốt từ nước này lên 40%.
Ngoài Algeria, Angola, Nigeria, Congo cũng đang nổi lên như một điểm sáng về nguồn cung năng lượng tiềm năng cho châu Âu. Trong khi đó, một vài quốc gia khác vẫn tìm đến những nhà cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đáng tin cậy như Mỹ và Qatar dù giá cao hơn sau khi giảm dần lượng nhập khẩu từ Nga.
Giá năng lượng ngày một tăng cao
Giá khí đốt tự nhiên, dầu mỏ, than đá đã tăng mạnh kể từ năm ngoái. “Đây thực sự là cuộc khủng hoảng năng lượng lớn hơn những năm 1970. Giai đoạn đó đơn giản hơn, vì chỉ thiếu dầu”, Daniel Yergin – nhà sử học lĩnh vực năng lượng kiêm Phó chủ tịch S&P Global cho biết.
Đức, đầu tàu kinh tế của châu Âu, vốn phụ thuộc hơn 50% nguồn cung cấp khí đốt từ Nga trước khi chiến sự nổ ra, đã giảm trị số này xuống còn 35%. Để duy trì trữ lượng, quốc gia này thậm chí còn lên kế hoạch phân bổ năng lượng chủ yếu đến những khu vực quan trọng.
EU muốn giảm hai phần ba sự phụ thuộc vào dầu khí Nga trong năm nay và xóa bỏ hoàn toàn điều này trong 5 năm bằng các nguồn năng lượng tái tạo cùng các giải pháp bảo tồn năng lượng. Simone Tagliapietra, chuyên gia năng lượng của tổ chức tư vấn Bruegel (Bỉ), cho biết cuộc chiến giữa Nga và Ukraine có khả năng đẩy nhanh những thay đổi trong chiến lược dài hạn của EU khi khối này thích ứng với năng lượng đắt hơn nhưng cũng hòa nhập hơn giữa các quốc gia thành viên.

Bên cạnh đó, thay vì mua năng lượng từ Nga với chi phí rẻ, châu Âu trước mắt phải chuyển sang những nguồn khác tốn kém hơn như Mỹ. Để có một tàu chở LNG từ Vịnh Mexico đến châu Âu, các công ty phải bỏ thêm 1,5 USD/1.000 ft3, tương đương 30-50% chi phí mua khí đốt ban đầu.
Các dự án sử dụng năng lượng thay thế còn gặp nhiều vướng mắc
Đường ống Hy Lạp – Bulgaria sẽ bổ sung cho mạng lưới châu Âu hiện có, giúp Bulgaria và các nước láng giềng có kết nối lưới điện mới, tiếp cận với thị trường khí đốt toàn cầu đang mở rộng. Dự án cũng sẽ kết nối với đường ống Trans Adriatic vừa được xây dựng, vận chuyển khí đốt từ Azerbaijan và các nước cung cấp LNG qua tàu biển như Qatar, Algeria và Mỹ. Trên thực tế, dự án đã phải đối mặt với nhiều khó khăn do chuỗi cung ứng gặp trục trặc bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, công đoạn xây dựng đường ống đã hoàn thành vào đầu tháng 4, trong khi việc thử nghiệm tại hai trạm đo lường và cài đặt phần mềm đang trong giai đoạn cuối cùng.

Cliff Kupchan – Chủ tịch công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group – cho biết quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo của châu Âu sẽ nhanh hơn. Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề dài hạn và cần nhiều sự cân nhắc. Giá năng lượng tái tạo trên thế giới đã tăng mạnh trong năm qua sau gần hai thập kỷ sụt giảm. “Có rất ít hợp đồng năng lượng tái tạo mới có thể được ký kết và sẵn sàng bắt đầu trước năm 2024”, Flemming Sorenson, Phó chủ tịch Châu Âu của LevelTen Energy, công ty đàm phán các thỏa thuận mua điện, chia sẻ.
Ngọc Hà
Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu tồi tệ đến thế nào?
Các công ty năng lượng hàng đầu Nhật Bản ngừng hợp tác với Nga